NHỮNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA ĐÀ NẴNG

Banner

Khi đến với thành phố biển Đà Nẵng bạn nên một lần ghé thăm những làng nghề truyền thống dưới đây. Đó hẳn là cách tốt nhất để bạn hiểu sâu sắc hơn về văn hóa cũng như ẩm thực của con người đôn hậu, mến khách nơi đây.

Làng nghề nước mắm Nam Ô.

Làng nghề nước mắm Nam Ô được hình thành đầu thế kỷ XX.  Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng Nam Ô từ lâu đã nổi tiếng có nghề truyền thống làm nước mắm bằng nguyên liệu cá cơm than, có độ đạm cao và mùi vị đặc trưng.

lang nghe truyen thong da nang
Công đoạn đóng gói sản phẩm.

Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu và sự nổi tiếng cho nước mắm Nam Ô chính là quy trình làm mắm với phương pháp truyền thống hoàn toàn thủ công, không có hóa chất. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch, lựa con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon. Chum muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm. Một chum thường chứa được 200-300 kg cá, sau khi ủ thu được khoảng 100-150 lít nước mắm loại 1. Còn lại lọc thành nước mắm loại 2, loại 3.

nuoc mam nam o
Thương hiệu nước mắm Nam Ô không chỉ nổi tiếng ở Đà Nẵng mà nó còn theo chân biết bao du khách đến với mọi miền tổ quốc.

Để có được một chai nước mắm thành phẩm, người làm mắm phải mất 12 tháng ròng ươm ủ, tạo hương, sau đó rút lu thấm nhĩ cho ra những giọt nước mắm tinh khiết, thơm ngon nhất. Nước mắm Nam Ô đã đi vào ca dao, dân ca như một thứ đặc sản đầy niềm tự hào của Đà Nẵng

Làng nghề bánh tráng Túy Loan.

Tuý Loan là một làng cổ nằm cạnh bờ sông Tuý chảy ra sông Hàn, thuộc xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 15km về hướng Tây. Nơi này nổi tiếng với bánh tráng từ trước năm 1975.

lang nghe truyen thong tai da nang
Một trong những lò bánh tráng ở Túy Loan.

Người ta thường chọn loại gạo thơm, mềm, dẻo thường là những loại gạo không gãy và có mùi thơm nức cho ngâm nước 2 ngày. Sau đó mới đem đi xay. Sau khi xay gạo, hòa thêm nước vào làm sao cho nước gạo không quá lỏng và cũng không quá đặc. Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, người ta phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm. Điều này giúp tạo ra sản phẩm có màu đều không bị lổ chỗ vết trấu. Lúc tráng bánh phải đều tay để bánh có độ dày bằng nhau. Đậy nắp chờ vài phút cho bánh chín vì bánh được hơ bằng hơi nước sôi nên không lo bị cháy. Trải bánh ra phên và đem phơi nắng ngay, nắng càng to bánh càng ngon. Sau khi bánh khô, xếp bánh thành từng ràng và luôn ủ kín để bánh giữ hương vị lâu hơn.

lang banh trang tuy loan
Công đoạn phơi nắng. Đây là công đoạn quyết định độ giòn ngon của bánh.

Các cơ sở sản xuất bánh tráng hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ. Sản phẩm sản xuất được các hộ tự tiêu thụ. Thời gian sản xuất của các cơ sở chỉ đạt khoảng 3-4tháng/năm. Sản phẩm của làng là bánh tráng nướng, có hình tròn đường kính khoảng 50 cm. Bánh tráng Tuý Loan dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh tráng được người sử dụng đánh giá rất cao.

Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách đi khắp mọi miền tổ quốc và trở thành một thứ đặc sản của Đà Nẵng.

Làng nghề làm bánh khô mè Cẩm Lệ.

Nghề bánh khô mè có từ những năm 50 của thế kỷ XX. Làng nghề truyền thống bánh khô Cẩm Lệ, nay thuộc khu vực Cẩm Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Trải qua bao thâm trầm thay đổi của cuộc sống bánh khô mè vẫn giòn ngọt thơm hương vị như thuở ban đầu.

Từ năm 1998 đến nay, nghề làm bánh khô mè ở Cẩm Lệ đã được chính quyền địa phương và các ngành quan tâm, hỗ trợ xây dựng để phát triển làng nghề truyền thống. Hiện nay có khoảng 20 hộ sản xuất.  Ngày xưa, bánh chỉ thường được làm vào dịp Tết. Đến nay, bánh đã được làm quanh năm phục vụ khách du lịch.

banh kho me cam le da nang
Bánh khô mè là thứ bánh thường được dùng nhiều vào dịp Tết cổ truyền.

Bánh khô mè Cẩm Lệ được làm chủ yếu từ bột gạo tẻ hay nếp, thêm chút đường, mè, hương quế Trà My và một ít gừng. Tuy nhiên, đây là loại đặc sản khá tốn công chế biến, phải thật thành thuộc và có nhiều kinh nghiệm mới tạo ra được những chiếc bánh khô mè đặc trưng.

Nấu bánh, người ta nhét bột vào trong một cái khung có sẵn hình vuông. Đem khung chưng cách thủy cho chín. Sau khi chưng cách thủy, bánh được nướng trong lò than. Việc nướng này khá vất vả khi phải nướng bánh từ lửa lớn đến lửa nhỏ cho bánh chín đều từ trong ra ngoài và để bánh được tươi xốp đặc trưng. Tẩm mè cho bánh, rang mè làm sao để mè vừa chín tới, có màu trắng ngà, không được để mè cháy đen. Thắng nước đường trên lò than, nước đường dùng để rưới lên bánh tạo thành lớp ngoài bao bọc cho bánh. Sau khi rưới nước đường thì phủ lớp mè dày lên bánh để kết dính. Cuối cùng là công đoạn sấy khô.

lang nghe truyen thong tai da nang
Bánh khô mè nổi tiếng nhất tại Đà Nẵng hiện nay là bánh bà Liễu.

Những chiếc bánh khô mè thơm ngon, giòn vàng  bên ly nước trà đã đi vào biết bao câu ca dao, tục ngữ Việt.

Hãy khám phá những vùng đất mới nằm ở ngoại ô thành phố như thế. Để được hòa mình vào với không khí thanh bình và cuộc sống thường nhật của người dân bản địa. Hẳn bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thực tế đầy thú vị.

Đi Và Viết ( tổng hợp )

3/5 - (2686 bình chọn)