Tây Giang – Mảnh đất cho những con người kiên cường (Phần 1)

Banner

Những ngày tháng mười hai cuối năm, Đà Nẵng cứ đầm mình trong những cơn mưa dài nặng hạt. Có lúc những tưởng sẽ vùi dập luôn chí du lịch trong lòng những đứa “chân như kiến cắn” như chúng tôi. Nhưng rồi tôi và hai đứa bạn trong nhóm cũng quyết tâm trốn bỏ quê hương, tìm chút khác lạ bên ngoài màn mưa mù mịt xuyên suốt thành phố. Sau những tham khảo về thời tiết và địa hình, chúng tôi chọn Tây Giang, mảnh đất quanh năm ẩn mình sau những cung đường lỗ chỗ và lầy lội nhưng luôn đẹp một vẻ hoang sơ của tự nhiên.

Tay Giang Quang Nam

Khởi hành lúc năm giờ sáng, Đà Nẵng vẫn còn im lìm ngủ trong cái rét nhẹ tiết trời mưa lâm râm. Ba chúng tôi tay xách nách mang đầy đủ những thứ cần thiết cho đêm trọ vùng núi, nắm tay ga hướng thẳng tuyến đường Túy Loan – Đông Giang, miệng vẫn ngai ngái ngáp dài. Con đường đầy những miếng chắp vá loang lỗ, lại thêm mưa lâu ngày, cộng với trời tối âm u đầy sương, cảm giác thanh vắng và gồng mình len lỏi khỏi những hố nước không khỏi khiến nhiều người nhụt chí. Vậy mà chúng tôi lại thấy khoan khoái, tận hưởng cảm giác mưa đêm tạt rát gò má, hít thở mùi rừng núi lâu ngày chưa thông vào khoang mũi, và cảm giác tự do đến lạ. Khi trời hửng sáng là lúc chúng tôi bắt gặp những con người kiên cường đầu tiên. Chỉ một bộ quần áo cộc, tay vung vẩy hai ba cuốn vở sách, những cô cậu bé ấy vẫn hằng ngày dậy sớm cuốc bộ đến trường, mặc cho đôi dép nhựa có mòn trên con đường dài đằng đẵng. Mưa có phủ trên đầu, sương có áp vào da thịt co lạnh, mấy đứa nhỏ vẫn khoan khoái bước từng bước chắc nịch.

kinh nghiem phuot tay giang quang nam

Lướt qua những đồi chè đã xanh trở lại từ dạo mùa hái tháng mười, tôi muốn dừng lại để chen vào giữa những hai luống, dang tay chụp lại một khoảnh khắc thật kì cục trong màn sương phủ khắp, dưới hàng tá những mảng mây xám xịt xếp chồng và nghe hương chè mới rộ. Nhưng những cơn mưa dai dẳng lại thúc giục bánh xe lăn tiếp, kệ lòng tôi hùi hụi tiếc. Những quán xá nhỏ nhắn bên đường cũng kịp sáng đèn, những nồi bún bò cũng vừa lên khói để đón những thực khách buổi sáng tạt ngang ghé vào cho ấm lòng. Trời bừng sáng vừa lúc chúng tôi đến xã Bhalê, nhưng vì không có chỗ trú chân nên đành chạy tiếp theo dốc đèo khoảng 15 km để vào trung tâm huyện. Quyết tâm tìm cho được làng cổ truyền thống của người Cơ Tu được chính quyền phục dựng. Và rồi chúng tôi cũng được mãn nguyện khi đến nơi, những ngôi nhà thuần gỗ với mái tranh san sát nhau, những tượng điêu khắc đậm chất văn hóa dân tộc đều được tái hiện rất tự nhiên. Bạn sẽ có cảm giác như mình trở thành chủ nhân sở hữu cả một bản làng hoang sơ vậy.

kinh nghiem phuot tay giang quang nam

Chúng tôi chỉ dừng chân tại làng cổ khoảng ba mươi phút để ghi lại một số hình ảnh, ăn nhẹ buổi trưa rồi lại lên đường cho đến nơi trước giờ chiều. Đường đi bây giờ đã bắt đầu khó khăn hơn trước, con đèo dẫn đến Đỉnh Quế thỉnh thoảng lại có những khúc cua dựng đứng khiến máy xe nhiều lúc ì ạch nhả khói. Đường hẹp, sương phủ trắng cả tầm nhìn, mưa tạt phăng trên đầu nhưng chúng tôi chốc lát lại hồ hởi đứng lại chụp những khung hình mây lững thững đội lên từng ngọn núi liên tiếp trùng điệp, lâu lâu lại có những ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa thung lũng giữa đồi chỉ vài ba mái lá. Sau hơn một giờ leo đèo, Đỉnh Quế lộng gió hiện ra trước mắt trần trụi, xác xơ vì những cơn mưa núi. Chúng tôi lạnh run tấp vào khi thấy một tốp người đang ngồi nhâm nhi rượu atiso cho ấm thân nhiệt. Dù công việc có vất vả, dãi nắng dầm sương theo bao mùa nhưng trong họ vẫn luôn ngời lên ánh mắt kiên cường trước tự nhiên, nồng hậu mời chúng tôi ly rượu, điếu thuốc vẫn như vật quí dắt theo mình. Đối với họ, cái khắc nghiệt của tự nhiên nơi đây chỉ là điều tất yếu đơn giản như mặt trời lặn mọc, họ vẫn luôn xem nhẹ sự kham khổ và yêu thương mảnh đất của mình…

phuot tay giang quang nam phuot tay giang quang nam

Vẫn còn một chặng đường khám phá Tây Giang ở Phần 2 các bạn nhé.

Thế Bảo

Rate this post