ĐẢO ĐIỆP SƠN VÀ CON ĐƯỜNG NẰM DƯỚI MỰC NƯỚC BIỂN

Banner

Đôi điều về Điệp Sơn và con đường nằm dưới mực nước biển

Đảo Điệp Sơn nằm gọn trong vịnh Vân Phong của Nha Trang. Là một hòn đảo lớn nổi lên giữa vịnh Vân Phong. Bên ngoài chính là khu vực Mũi Đôi (còn gọi là cực Đông của Tổ quốc).

Bên trên phía Bắc là khu du lịch Đại Lãnh. Phía nam chính là khu du lịch biển Dốc Lết.

Là một trong 3 hòn đảo nhỏ. Đảo Điệp Sơn có con đường giữa biển, nối giữa 2 đảo bằng cát trắng, xuất hiện và biến mất tùy theo thủy triều.

>>Xem thêm:

Nơi có người dân sinh sống nhất là trên Hòn Bọp. Trên Điệp Sơn với khoảng gần 100 hộ dân và trên 300 người đang sinh sống.

Điều tuyệt vời nhất khi du khách đến Điệp Sơn đó là khám phá “con đường dưới biển” độc đáo nhất Việt Nam. Con đường dài khoảng 700 m, nằm dưới nước biển xấp xỉ nửa mét, nối liền giữa các đảo Điệp Sơn với khung cảnh đẹp tựa chốn thần tiên, khi màu xanh trời và biển hòa làm một, đâu đó xa xa, chiếc thuyền nhỏ len mình giữa sóng tạo điểm nhấn hoàn hảo cho bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ…

 

Thời điểm nào thích hợp để đi ?

Thời điểm đẹp nhất để du lịch đảo Điệp Sơn là từ tháng 12 đến tháng 6, vào khoảng thời gian này biển khá êm và trong xanh, do vậy những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu.

 

 

Làm thế nào để đến được đảo Điệp Sơn ?

Muốn đi Điệp Sơn thì bạn đi từ thành phố biển Nha Trang là tiện nhất, lại còn kết hợp khám phá luôn vùng biển đẹp nhất Việt Nam nữa chứ nhỉ? Và để đi từ Nha Trang thì có đủ loại phương tiện. Với những bạn mê xê dịch, mê phượt thì đây là cách đi thú vị nhất nhé! Các cung đường từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đến Nha Trang thì cũng không có gì lạ lẫm; Từ Nha Trang đến Vạn Giã tầm 60km, mình đi khoảng 45 phút bằng xe máy, các bạn có thể thuê xe máy ở Nha Trang giá dao động từ 110k-180k tùy loại xe, tùy mùa. Sau đó thẳng tiến quốc lộ 1A hướng đi Phú Yên, tới thị trấn Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Các bạn chú ý tới Vạn Giã rồi đi chậm để ý vừa qua cầu Hiền Lương thì có một con đường rẽ phải hướng ra biển, đi thằng một đoạn gặp biển rồi rẽ trái, đi thêm 1km nữa là tới cảng Vạn Giã.  Mình giữ xe ở con đường đối diện cảng (Honda Anh Quốc gửi xe ra đảo) giá 1 lượt trong ngày là 5k, qua đêm là 10k.

 

Tới cảng Vạn Giã mua vé tàu cano để ra Điệp Sơn. Phòng bán vé ngay tại đầu cầu cảng, nếu bạn đi cano chỉ 30p là tới nơi. Muốn đi ra đảo có 2 cách:

Cách 1: Đi tàu Phượng Đồng của người dân, bạn có thể đón ở Cảng, thời gian chạy tầm 30 phút, tàu xuất phát khoảng lúc 9h sáng, chi phí khoảng 20k/người, chuyến về đất liền thì xuất phát lúc 5h sáng, tàu này là tàu chợ nên bạn có thể đi chung với lợn, gà, xi măng.. hoặc chỉ có người dân. Nhược điểm của tàu này đó chính là hên xui, hên thì bạn có thể đi và về theo kế hoạch đã định sẵn, xui thì bạn phải ở lại thêm một ngày trên đảo bởi vì tàu này chỉ phục vụ cho người dân, nếu ngày hôm đó người dân không đi về đất liền thì tàu cũng không chạy.

Cách 2: Nếu bạn không muốn bị động thì bạn có thể chọn một phương án khác đó chính là sử dụng tàu (thật ra là ghe của người dân) chứa đc khoảng 6- 15 người, và vì luôn luôn có tàu bất cứ lúc nào và di chuyển chỉ mất 15 phút, nên giá cũng sẽ đắt hơn. Bạn có thể thuê tàu của anh Bình với số điện thoại: 0905.166.736 hoặc anh Tư Nghĩa: 01667982151, giá thuê tàu tầm 200k/ 6 người.

 

Cách 3: Có thể liên hệ chú Sáu ở Đầm Môn, đường này xa hơn rất nhiều nhưng khi đi tàu được ngắm các đảo ở Vinh Vân Phong. Giá cả thì mọi người thương lượng nhé. Đường này đi xa hơn 1h đi tàu nên giá sẽ cao hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể đi lặn san hô theo đường này cũng khá thú vị đó. Tàu của chú Sáu có phao để cho mọi người lặn san hô luôn nhé.

Làm gì khi tới Điệp Sơn ?

– Đến Đảo thì gặp chú Mẫn trưởng thôn báo cáo, xin phép lưu trú trên đảo. Rồi qua gặp anh pha công an trưởng để báo cáo. (sđt chú Mẫn: 01267 32 56 57)

– Nhắc đến đảo này chắc chắn là phải nhắc đến “con đường trên biển” nổi tiếng rồi! Con đường cát lúc ẩn lúc hiện này nối liền 3 đảo lớn nhỏ ở đây. Đi vòng quanh cả 3 đảo cũng phải hết hơn 1 tiếng đấy. Giờ nước rút lộ ra Điệp Sơn thủy đạo là từ 6h sáng đến 10h trưa (thay đổi theo mùa). Tuy vậy muốn dạo bộ, ngắm cảnh và chụp hình thì các bạn phải canh đúng giờ nhé! Sáng sớm khoảng từ 4h đến 5h hoặc giữa trưa từ 11h30 đến 1h, nước sẽ rút xuống, bạn có thể đi bộ từ đảo này sang đảo khác mà nước chỉ ngập qua đầu gối 1 chút (có khi chỉ đến mắt cá chân).

– Có thể thuê thuyền kayak để chèo tại các chỗ dịch vụ trên đảo.

– Trên đảo không có nhà nghỉ, tốt nhất tự mang theo lều cắm trại trên biển, biển mênh mông tha hồ cắm. Hoặc liên hệ xin người dân để ở lại (giá cả thương lượng theo từng người). Đảo có dịch vụ thuê lều lưu trú, giá cả đã niêm yết sẵn rồi, mà người ở đây cũng thật thà nên các bạn không sợ bị chặt chém đâu.

 

* Khu vực cắm trại:

+ Đi hết đảo 1 chuẩn bị qua con đường thủy đạo sẽ có 1 bãi cắm trại. Điểm cắm trại này có 1 lợi thế là được ngắm trọn bình minh và hoàng hôn trên đảo. Các nhóm cắm trại thường ưu chọn bãi này
+ Từ vị trí bãi ở trên ta đi theo bờ biển bên phải sẽ có 1 bãi cắm trại nữa. Bãi này cát trắng khá đẹp. Tuy nhiên ở đây, sáng sớm không ngắm trực tiếp được bình minh.
+ Bãi cắm trại ở đảo 2: bãi này xa khu dân cư, chiều tối thủy triều lên phải lội nước để vào khu dân cư, thời điểm chiều tối con đường thủy đạo lên rất cao
+ Các bãi cắm trại khác như cuối đảo 2, đảo 3 khá xa, nếu mọi người muốn hoang dã thực sự có thể tới đây.

 

Ăn uống tại Điệp Sơn

– Dĩ nhiên những món đặc sản ở đảo này phải là hải sản rồi, từ các loại cá tôm cho đến ốc đều rất tươi ngon. Tại Điệp Sơn nổi tiếng nhất là món cá bớp (không phải tôm hùm đâu nhé)! Cá bớp ở đây to, thịt ngọt mà giá lại rẻ nữa, bạn mà đi theo tour thì sẽ được ăn 2 món là nướng muối ớt và lẩu cá nấu chua, đảm bảo là cực nhiều cá chứ không như các tour khác đâu. Các món khác thì có mực sữa xào rau củ, mực tươi và ngọt lắm; tôm nướng muối ớt, tôm cũng khá tươi …

 

– Ngoài ra, nếu bắt gặp ngư dân vừa đánh cá hoặc đi bắt ốc về, bạn hỏi giá rồi mua. Hải sản dân ở đây vừa bắt lên rất tươi ngon và đặc biệt là cực rẻ (mua ốc 10kg tầm 150k, hàu giá khoảng 120k/kg đã làm sẵn ko còn vỏ. Đặt hàu trước để tối có thể nấu cháo thì còn gì tuyệt vời hơn, ghẹ giá khoảng 150k/kg). Ngoài ra trên đảo còn có tôm, cá khá nhiều Có thể liên hệ nhà chú mẫn và các ngư dân khác để mua

– Có một trại gà trên đảo, mọi người có thể mua để ăn nhé.

 

Một số lưu ý khi đi đảo Điệp Sơn

– Điện trên đảo chỉ có từ 18h-21h nên hãy chủ động chuẩn bị sạc dự phòng,đèn pin,… Nếu bạn sử dụng điện của người dân thì hãy trả phí cho họ vì tiền điện trên đảo rất đắt.

– Đảo còn hoang sơ và rất sạch sẽ nên mọi người hãy luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, dọn dẹp chỗ ăn ở trước khi rời đi và không xả rác bừa bãi. Nếu có thể hãy mang tất cả về đất liền vì việc xử lý rác ở đảo thường mất công hơn và ảnh hưởng đến môi trường.

– Điệp Sơn không có bãi tắm chính thức nên các khu vực xung quanh thường nông. Các bạn hãy chú ý khi tắm để tránh dẫm phải sứa, cầu gai, …

– Bạn nên chuẩn bị nước ngọt và túi rác từ trước khi di chuyển đến đảo vì đảo rất ít nước ngọt.

– Bạn không nên gây ồn ào hoặc khó chịu ở những nơi công cộng, đặc biệt là khu vực gần nhà dân và luôn giữ phép lịch sự để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.

– Trên đảo rất an ninh nên không cần lo lắng nhiều về trộm cắp. Tất nhiên chúng ta nên bảo vệ giữ gìn đồ đạc. Trẻ em ở đây rất thân thiện có thể rủ các em đi chơi chung, các em chỉ đường cho những chổ đẹp ở Điệp Sơn

– Khi thuê tàu phải chú ý, để an toàn thì ghe nhỏ chỉ nên đi tầm 6 người, tàu lớn hơn có thể đi 15 người.

 

Vũ Chi

3.7/5 - (3 bình chọn)